102 Jacoby Dr. SW, Epworth, IA 52045 +1-866-989-9888 lpham@dwci.edu

 Bài Tin Mừng cho Thánh Lễ Chúa Nhật Tuần Thứ 32 Mùa Thường Niên về bà góa nghèo với hai đồng tiền khiến người Kytô-hữu chúng ta phải suy nghĩ.  Ở câu 41 đến câu 44 thuộc chương thứ 12, Thánh Mác-cô thuật lại chuyện Đức Giêsu thấy một bà góa nghèo đóng góp toàn bộ phương tiện sinh sống của bà cho ngân khố và nhận xét bà đã đóng góp nhiều hơn tất cả mọi người.  Đây là một nhận xét đầy nghịch lý của Đức Giêsu và là nguồn căn của không ít tranh cãi giữa chúng ta.      

 

Thoạt tiên nhiều người chúng ta dễ dàng bất đồng với nhận xét của Đức Giêsu.  Làm sao mà hai đồng bạc trị giá vài xu lại có thể lớn hơn những tổng số bạc lớn lao mà những người giàu có khác đã bỏ vào ngân khô được?  Xét về phương diện kế toán, rõ ràng là hai đồng bạc của bà góa chẳng thấm vào đâu so với vài trăm đồng bạc hay thậm chí vài ngàn đồng bạc của bao kẻ khác.  Trong lãnh vực tài chính hay ngân hàng, số tiền hai đồng bạc của bà góa thậm chí không thể nào so sánh về khả năng sinh lời với những khoản tiền vài chục, đừng nói chi vài trăm của những người đóng góp giàu có.  Vậy đâu là lý lẽ để Đức Giêsu đi đến kết luận nói trên?

 Là những con người sống giữa thế gian, chúng ta đương nhiên bị chi phối bởi những định luật vật lý và toán học của thế giới hữu hình.  Theo quán tính duy lý thông thường, chúng ta bị buộc phải quan tâm đến những gì chúng ta cảm nhận được qua nhãn giác, thính giác, khứu giác, vị giác, và cảm giác.  Điều này xem ra hiển nhiên khi sự tồn tại tương tác của chúng ta với thế giới chung quanh được xác định bởi những giác quan này.  Nếu mất đi một trong những giác quan, chúng ta coi như mất đi phần nào sự vững chắc của tính hiện hữu của chúng ta.  Theo quan niệm này, giá trị tồn tại của chúng ta được đo lường bởi khả năng khẳng định sự hiện hữu của chúng ta.  Càng có nhiều khả năng khẳng định sự hiện hữu của mình thì một người càng được xem là có giá trị và đáng được công nhận bởi những người khác.  Ngược lại, càng có ít khả năng khẳng định sự tồn tại của bản thân thì người ta lại càng được cho là kém có giá trị và không đáng để để mắt tới!  Ngoài những giác quan kể trên, tiền bạc và của cải do một người sở hữu được liệt vào những phương tiện dành cho sự khẳng định giá trị của người đó.

 Từ nhận định trên đây, việc người đời đánh giá thấp khả năng hiện hữu của bà góa nghèo là chuyện đương nhiên.  Trong con mắt người ta, bà không có nhiều phương tiện để xác định vị thế của bà trong xã hội. Tầm sinh hoạt của bà trong xã hội loài người bị giới hạn lại đáng kể do không sở hữu nhiều phương tiện vật chất.  Bà quá nghèo để có thể có những tác động về tiền bạc đối với những người chung quanh.  Bà không ở vào vị thế để gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến người khác so với những kẻ có nhiều tiền hơn bà.  Thành thử ra, hai đồng bạc bà bỏ vào trong ngân khố không là gì so với những kẻ đóng góp những số tiền lớn.  Với hai đồng bạc này thì người ta có thể làm được gì?  Sẽ có bao nhiêu người được hưởng cái gì từ số tiền ít ỏi đó?  Cho ít như vậy thì cho để làm gì?  Theo lý luận của nhiều người, nếu sự đóng góp không mang lại tác động lớn lao đối với người khác thì tốt hơn hết là đừng đóng góp gì hết!  Họ cho rằng sự đóng góp ít ỏi như vậy là quá vô ích. 

 Đúng với bản chất và danh tiếng của Ngài, Đức Giêsu không chia sẻ những suy nghĩ như vậy về bà góa nghèo.  Ngài không chú trọng vào số lượng của việc đóng góp cũng như không màng đến tác động xã hội mà sự đóng góp mang lại.  Đức Giêsu không hề mang suy nghĩ của người đời mặc dầu Ngài là Thiên Chúa mặc lấy xác phàm của loài người.  Ngài nhập thế nhưng không chối bỏ căn tính Thiên Chúa của mình.  Trong vị thế là Ngôi Lời Nhập Thể, Đức Giêsu giới thiệu với loài người một cung cách hoàn toàn mới để nhìn sự vật sự việc.  Thay vì để ý đến khía cạnh vật chất của hiện thực sự việc, Ngài quan tâm đến phương diện tinh thần của những gì đang diễn ra.  Thay vì để bị cuốn hút vào những tính toán so đo hơn thiệt của người đời, Đức Giêsu hướng đến sự viên mãn của con người trong những sự kiện cuộc sống.  Trong câu chuyện bà góa nghèo với hai đồng bạc đóng góp cho ngân khố, Ngôi Lời Nhập Thể rọi ánh sáng vào tấm lòng hào hiệp và tinh thần sẵn sàng trao ra của con người.  Trong con mắt thấu dõi thế gian của Ngài, tác động xã hội của việc đóng góp không quan trọng bằng sự sẵn lòng đóng góp.  Phương tiện và số lượng đóng góp không thể nào đặt ngang bằng với tâm hồn biết chia sẻ và con tim rộng mở trong tình yêu cho tha nhân được. 

 Từ thái độ của Đức Giêsu đối với lòng hào hiệp của bà góa nghèo, chúng ta được kêu mời thay đổi não trạng nhìn cuộc sống của chính chúng ta.  Chúng ta được thôi thúc nhìn vượt lên những tính toán so đo của thế tục để nhận thấy tấm lòng quảng đại của Thiên Chúa.  Chúng ta được khuyến khích mặc lấy nhãn quan của Ngôi Lời Nhập Thể hầu biến đổi cung cách tiếp nhận cuộc sống của chúng ta.  Chúng ta được truyền cảm hứng để hiệp con tim chúng ta với Thánh Tâm Đức Giêsu trong nỗ lực đón nhận những nỗi thống khổ của thế gian thời hậu đại dịch COVID-19.  Chúng ta nhận được sức mạnh thiêng liêng cho sự đồng cảm và tinh thần chia sẻ với biết bao tâm hồn thiếu thốn tình thương, không được đoái hoài đến.  Chúng ta nhận thức được tầm quan trọng mang tính quyết định của lòng thiện chí con người.  Cùng với bà góa nghèo về tiền bạc nhưng hào hiệp về tấm lòng, chúng ta sẵn sàng cho một sự chuyển hóa thâm sâu trong chúng ta để trở thành công cụ chuyển tải Tình Yêu Thiên Chúa đến cho một thế giới hoảng loạn vì dịch bệnh và bất an vì những khó khăn kinh tế.  Giống như bà góa nghèo sẵn lòng trao ra toàn bộ phương tiện sinh sống của mình, chúng ta hiệp lòng đóng góp trong khả năng của chúng ta để qua đó Ánh Sáng Ủi An của Ngôi Lời Nhập Thể chuyển hóa hàng triệu con tim của nhân loại. 

 Đại Chủng Viện Ngôi Lời hiện có hơn 100 sinh viên đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Các sinh viên đã có những chặng đường theo đuổi ơn gọi khác nhau, thuộc các dòng tu hoặc giáo phận khác nhau.  Điều đó nói lên tính đa dạng trong nét văn hóa, dân tộc, và ngôn ngữ của các sinh viên đang theo học tại Đại Chủng Viện Ngôi Lời. Họ đến từ Việt Nam, Nam Hàn, Nam Dương, Phi-Luật-Tân, Trung Hoa, Miến Điện, Ba Lan, Ba Tây, Á Căn Đình, Colombia, Chi Lê, Hai-ti, , Angola, Cameroon, Kenya, Rwanda, Togo, Uganda, và Mỹ.  Các sinh viên gồm có cả linh mục, sư huynh, các sơ, các thày, và giáo dân.

 Trước đây, Đại Chủng Viện Ngôi Lời chuyên đào tạo các nam tu sĩ để trở thành những nhà thừa sai trong ơn gọi linh mục hoặc tu huynh.  Từ năm 2007, Đại Chủng Viện mở rộng chương trình đào tạo cho các nữ tu và một số giáo dân muốn theo học các chương trình của trường gồm Triết Học, Thần Học, Giao Thoa Văn Hóa, và Các Môn Học Liên Ngành.

Ngoài các sinh viên theo học các phân khoa cấp phát bằng cử nhân bốn năm, một số đông các sinh viên quốc tế đang theo học các lớp Anh Văn ESL tại Đại Chủng Viện Ngôi Lời để sau đó tiếp tục theo học bậc cao học tại các học viện khác, nơi có các chương trình đào tạo sau đại học.

 

Lịch sử  Dòng Ngôi Lời Hoa-Kỳ

Tại ngôi làng nhỏ Steyl, Hòa Lan, Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời (SVD) đã được sáng lập do Cha Thánh Arnold Janssen vào ngày 08/09/1875 và trở nên một trong những dòng thừa sai lớn và phát triển nhanh của Giáo Hội với tên gọi Societas Verbi Divini (Latinh), hay còn biết đến như the Society of the Divine Word. Hiện nay đang có hơn 6000 thành viên phục vụ tại 76 quốc gia trên thế giới.

  Cha Thánh Arnold Janssen sai Tu huynh Wendelin Meyer, SVD đến Hoa Kỳ và ngài đã đến thành phố Hoboken, New Jersey vào năm 1895. Trong vòng một năm, nhiều vị thừa sai Ngôi Lời được sai đến Mỹ, và cuối cùng họ chọn một địa điểm cách Chicago 35 dặm để xây dựng nhà dòng, nơi hiện nay gọi là Techny trong tiểu bang Illinois, và Tỉnh dòng Chicago (USC) được thành lập năm 1897. 

 

 

 Năm 1909, được khích lệ bởi nỗ lực tuyển sinh thành công, nhà dòng mở Chủng Viện Thừa Sai Đức Maria (St. Mary’s Mission Seminary) tại Techny là chủng viện đầu tiên tại Hoa Kỳ chủ yếu dành cho việc huấn luyện các nhà thừa sai cho các công cuộc truyền giáo ở ngoại quốc.

 

 

Khi Thiên Chúa thấy tình trạng tuyệt vọng của chúng ta ở trần gian, Ngài đã không gửi cơm áo, vật chất.  Ngài gửi AI ĐÓ đến; Ngài sai Chúa Giêsu đến với chúng ta.  Là những người theo chân Chúa Giêsu, các nhà thừa sai cố gắng suy nghĩ và làm việc như Chúa.  Thưa quý vị, chúng ta cũng góp phần từ nguồn tài chánh của mình để giúp người nghèo, nhưng quan trọng hơn, vẫn là gửi AI ĐÓ đến để sống với họ, để chia sẻ cuộc đời và phục vụ họ. Khi những nhà thừa sai hiện diện tại những nơi “bị bỏ rơi” trên thế giới, những tổ chức, chính phủ, và những ân nhân bảo trợ tìm thấy cách thức gửi “cơm bánh” đến để chia sẻ với tất cả mọi người.

Đại Chủng Viện Ngôi Lời không gửi cơm bánh đến người đói khát hoặc đang bị bỏ rơi. Chúng tôi làm chuyện cần thiết không kém.  Chúng tôi chuẩn bị cho những nhà thừa sai-hành khất, môn đệ Chúa Giêsu, những người hân hoan mang Tin Mừng của Đức Kitô và nói cho những người hành khất khác nơi họ có thể tìm được cơm bánh.

Image
Nơi đào tạo các nhà thừa sai tương lai

Địa Chỉ:

102 Jacoby Dr. SW, Epworth, IA 52045

Phone

563-876-3353 (Ext.243)
866-989-9888

Email

lpham@dwci.edu

Link Cần Thiết

Đăng Ký Nhận Bản Tin

Subscribe to our newsletter

Liên kết Website

FOLLOW US SOCIAL NETWORKS

MAKE A DONATE

Image

VĂN PHÒNG PHÁT TRIỂN

TEL: 1-866-989-9888 (Việt Ngữ)                                      

VĂN PHÒNG ƠN GỌI

 1-800-553-3321 (English)